Ngành GTVT: Tiếp nối dòng phát triển mạnh mẽ và bền vững
66 tuổi, ngành GTVT đã trưởng thành qua chiến tranh, vượt qua nhiều thử thách để hôm nay mạnh mẽ đi lên, đủ trí tuệ và bản lĩnh tạo nên những đột phá mới.
Truyền thống là bệ phóng
Nhìn lại chặng đường 66 năm qua, mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành GTVT đều có quyền tự hào vì những đóng góp to lớn của Ngành trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trong mỗi bước phát triển của đất nước đều có sự đóng góp của những con đường, cây cầu, sân bay, bến cảng; có sự hy sinh xương máu của nhiều cán bộ; sự góp công, chung sức, chung lòng của tất cả đội ngũ những người lao động ngành GTVT Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo GTVT nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Truyền thống ngành GTVT Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Tôi tin tưởng sức mạnh đoàn kết, tinh thần quyết tâm cộng với trí tuệ sẽ giúp ngành Giao thông vượt qua những khó khăn hiện tại, viết tiếp những trang sử vẻ vang, xứng đáng với truyền thống hào hùng của Ngành. Chính truyền thống sẽ là bệ phóng để ngành GTVT bước tiếp những bước tiến mạnh mẽ và bền vững.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm ngành GTVT gánh trên vai những sứ mạng mới với những thách thức vô cùng lớn. Nhiệm vụ của ngành GTVT đã được xác định hết sức rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước giai đoạn 2011 – 2020, đó là: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Trong đó, đột phá phát triển hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá để đưa nền kinh tế cất cánh.
5 năm tới đây, ngành GTVT phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ: đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các đoạn tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc Bắc – Nam; Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông ở những vùng có dung lượng hàng hóa lớn, các địa bàn thuộc các cực tăng trưởng, kết nối với các vùng miền, với khu vực và quốc tế, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của cả nước.
Bên cạnh đó, phải hiện đại hóa và nâng cao năng lực các dịch vụ tổng hợp của 3 cảng biển lớn ở 3 khu vực: Hải Phòng, TP.HCM – Vũng Tàu và miền Trung. Phát triển nhanh hệ thống giao thông đô thị, nhất là giao thông công cộng, phối hợp giải quyết nạn ùn tắc và úng ngập ở Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Đột phá trong tư duy
Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn chế, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu này, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng cần phải có một tư duy, tầm nhìn chiến lược, phải có biện pháp tổ chức thực hiện các mục tiêu hiệu quả. Phải xác định mục tiêu chính xác, xây dựng kế hoạch hợp lý, nâng cao năng lực quản lý từ đó giải phóng được tất cả nguồn lực của xã hội, tạo nên những cú hích đủ lớn để giải quyết thành công từng nhóm nhiệm vụ đã đề ra.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai III, Hà Nội
Những thể chế chính sách đã lạc hậu cần được sửa đổi để mở ra hướng đột phá mới, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng trong tương lai, giảm ùn tắc và TNGT – vấn đề cấp thiết đang hàng ngày gây bức xúc cho xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Khó khăn càng nặng nề hơn khi cùng với việc thực hiện các mục tiêu mang tính dài hạn, các đơn vị trong Ngành đang phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giao thông bị cắt giảm mạnh, Bộ GTVT đang cố gắng tìm giải pháp để sớm đưa vào khai thác các dự án giao thông quan trọng đi đôi với việc đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động.
Đối mặt với những thách thức, Bộ trưởng mong muốn mỗi CBCNV càng khó khăn càng phải có trong mình lòng nhiệt huyết, khát vọng vượt qua thử thách để khẳng định chính mình và góp phần thực hiện nhiệm vụ chung.
Bộ trưởng khẳng định, hơn lúc nào hết ngành GTVT cần những cán bộ, kỹ sư, công nhân có trình độ, tay nghề, có bản lĩnh và hoài bão cống hiến để phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH-HĐH, tiếp nối dòng phát triển mạnh mẽ và bền vững của Ngành suốt 66 năm qua.