Hướng dẫn thực hiện các quy định trong quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La

Thực hiện văn bản số 3049/UBND-KT ngày 21/9/2016 về việc giao thực hiện công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La; sau khi nghiên cứu, Sở GTVT hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý bến thủy nội địa bao gồm: bến hành hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông và bến chuyên dùng trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Trách nhiệm của UBND huyện: UBND huyện là cơ quan quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn huyện, được UBND tỉnh giao quản lý: Bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông và bến chuyên dùng trên địa bàn huyện, có trách nhiệm:

– Giao phòng chuyên môn thuộc UBND huyện làm đầu mối tham mưu thực hiện công tác quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn; phối hợp với đơn vị quản lý bến hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan quản lý chấp thuận chủ trương xây dựng và cấp giấy phép hoạt động theo quy định.

– Lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để giao quản lý đối với từng bến thủy nội địa trong phạm vi quản lý.

2. Chấp thuận chủ trương xây dựng, cấp giấy phép hoạt động của bến thủy nội địa: Theo quy định tại điều 7, điều 9, Thông tư số 50/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT Quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

3. Trách nhiệm của đơn vị quản lý bến thủy nội địa (Chủ bến):

– Quản lý kết cấu hạ tầng và thực hiện các quy định trong quá trình khai thác bến thủy nội địa: Theo quy định tại điều 22, Thông tư số 50/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT Quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa, cụ thể:

+ Duy trì trạng thái hoạt động của bến thủy nội địa và các thiết bị neo đậu phương tiện theo thiết kế bảo đảm an toàn; duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa.

+ Xây dựng nội quy hoạt động của bến thủy nội địa; đối với bến hành khách phải có bảng niêm yết giá vé. Nội quy hoạt động, bảng niêm yết giá vé phải rõ ràng, bố trí ở nơi thuận lợi.

+ Có đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm, bến khách phải có nơi chờ cho hành khách.

+ Thiết bị phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm về số lượng và chất lượng sử dụng theo quy định của pháp luật và phải được bố trí ở vị trí thuận lợi khi sử dụng…

– Quản lý phương tiện thủy:

+ Đăng ký phương tiện: Theo quy định tại Chương III, Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ GTVT Quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa;

 + Chấp thuận vận tải hành khách: Theo quy định tại điều 5, điều 7 Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 của Bộ GTVT Quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa;

+ Quản lý hoạt động phương tiện trong phạm vi bến thủy nội địa: Theo quy định tại điều 15, điều 16, điều 17, Thông tư số 50/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT Quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

– Quản lý người lái phương tiện thủy: Theo quy định tại điều 15, điều 16, điều 17, Thông tư số 50/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT Quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

Những nội dung quy định khác của pháp luật đối với công tác quản lý bến, quản lý vận tải, quản lý phương tiện và người lái phương tiện thủy nội địa đã được cụ thể hóa tại các văn bản nêu trên, đề nghị UBND các huyện chỉ đạo phòng chuyên môn nghiên cứu, tham mưu thực hiện.

PHÒNG KCHT