Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn (NTM) mới giai đoạn 2010 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 4/6/2010. Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lí, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ….
Căn cứ vào quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, ngày 02 tháng 11 năm 2012, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020. Theo đó, đề án được chia làm 2 giai đoạn (2011 – 2015 và 2016 – 2020) với mục tiêu tổng quát là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau 2 năm triển khai, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh; hình thành được vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung theo quy hoạch gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; đời sống của người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2012 tăng 2,1 lần so với năm 2008; các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, liên kết “4 nhà” trong sản xuất kinh doanh bước đầu được hình thành. Đến năm 2012, các xã đã đạt từ 3 – 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tăng từ 1 – 4 tiêu chí/xã so với năm 2011). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 28,7%, giảm 3,2 % so với năm 2011 và giảm 9,4 % so với năm 2010. Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt 100%; tỷ lệ gia đình văn hóa 72%; 100% xã có nhà văn hóa; 74,3 % xã có bưu điện văn hóa; 45% bản, tiểu khu, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 78% hộ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 71% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% xã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở.
Trong 2 năm đã trồng được 8.606 ha rừng tập trung; chăm sóc 12.077 ha rừng trồng; khoanh nuôi tái sinh 180.000 ha; bảo vệ 625.770 ha rừng hiện có. Mở mới và nâng cấp 1.826,99 km đường giao thông nông thôn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Xây dựng mới 43 công trình thủy lợi; kiến cố hóa 43,725 km kênh mương; xây dựng mới 35 trụ sở xã, 22 công trình điện, 165 trường học, 18 trạm y tê, 22 nhà văn hóa và khu thể thao, 99 nhà văn hóa bản, 02 chợ, 145 công trình nước sinh hoạt, 11.500 ngôi nhà cho hộ nghèo. Thành lập mới 22 hợp tác xã nông nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cũng hết sức được chú trọng. Trong 2 năm đã tập huấn cho 6.341 lượt cán bộ; đào tạo nghề cho 6.013 người.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong những năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; kinh tế – xã hội còn không ít khó khăn yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế; suy thoái môi trường, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống một bộ phận nhân dân các dân tộc còn không ít khó khăn, công tác giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới triển khai chậm. 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh mới giải ngân được 2,1 tỷ đồng, đạt 7,5% kế hoạch của cả năm. Nguyên nhân do khâu chuẩn bị lập dự án chậm, năng lực một số chủ đầu tư, nhất là UBND cấp xã còn hạn chế.
Chính vì vậy, để triển khai và thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới, cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp. Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đào tạo, tập huấn cho cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp xã; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất bằng cách đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đưa nhanh cơ giới hoá vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu suất lao động; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; lựa chọn các giống mới có năng suất chất lượng đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục bổ sung và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích thu hút đầu tư thực hiện chương trình; khuyến khích giao cho thôn, bản và cộng đồng dân cư thực hiện những công trình, dự án để nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và vai trò của người dân trong triển khai thực hiện chương trình bởi người nông dân là lực lượng chủ chốt trong xây dựng kinh tế ở địa phương.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Để việc xây dựng nông thôn mới ở một tỉnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như Sơn La cần sự nỗ lực của Đảng bộ, các cấp chính quyền, đoàn thể và mỗi người nông dân.
Cao Thị Quỳnh, Trường Chính trị tỉnh