Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS)
Trong thời gian tới giấy phép lái xe mới của Việt Nam sẽ được sử dụng trong các nước tham gia hiệp định GMS. Rất thuận lợi trong việc giao thương, di lịch giữa các nước. dưới đây là đôi điều về hiệp định này để bạn đọc thêm thông tin về các nước mình có thể lái xe khi được cấp bằng lái xe mới.
GMS được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). GMS là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mê Công, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. GMS ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại- đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường. Hạ tầng giao thông là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, tập trung vào các hàng lang kinh tế, trong đó có Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) chạy ngang Tiểu vùng từ cảng Đà Nẵng, Việt Nam dọc quốc lộ 9 qua Lào và Thái Lan tới Mianma. GMS đã tổ chức 3 Hội nghị cấp cao và 15 Hội nghị Bộ trưởng.
Hạ tầng giao thông cũng là lĩnh vực hợp tác có kết quả nổi bật nhất, tập trung vào 3 hành lang kinh tế chính sau đây:
i) Hành lang kinh tế Bắc- Nam (NSEC);
ii) Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC), đã thông suốt đầu năm 2007 và là hành lang đi vào hoạt động đầu tiên trong tiểu vùng Mê Công;
iii) Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2010-2012.
Trong khuôn khổ Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (Hiệp định GMS) ký năm 1999, đến nay, các nước GMS đã ký tất cả các Nghị định thư (3 nghị định thư) và các Phụ lục Hiệp định GMS. Mặc dù các quy định của Hiệp định GMS chưa có hiệu lực, song trên thực tế để đáp ứng yêu cầu liên kết và hội nhập kinh tế, các nước GMS đã bước đầu thực hiện thí điểm những quy định của Hiệp định GMS về kiểm tra hải quan tại một số cặp cửa khẩu dọc hành lang EWEC là Mukdahan – Savanakhet và Dansavanh – Lao Bảo.
Về năng lượng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán và truyền tải điện nước trong tiểu vùng, các nước GMS đã ký Hiệp định Thương mại và Năng lượng khu vực tại Hội nghị thượng đỉnh GMS tháng 11/2002 và Bản ghi nhớ về nguyên tắc triển khai Hiệp định Thương mại và Năng lượng khu vực tháng 7/2005.
Về viễn thông, dự án xây dựng mạng lưới trục viễn thông GMS được ưu tiên trong hợp tác viễn thông GMS được ADB hỗ trợ cho vay vốn để thực hiện.
Về du lịch, 6 nội dung đã được triển khai với sự hỗ trợ của ADB: (i) thúc đẩy khu vực GMS trở thành điểm đến của du khách; (ii) đào tạo nhân lực trong du lịch; (iii) đào tạo cán bộ quản lý về bảo tồn và phát triển du lịch; (iv) nghiên cứu phát triển du lịch Mê Công/Lan Thương; (v) phát triển du lịch tại các vùng quê và; (vi) phát triển hành lang du lịch Bắc – Nam.
Về giao thông, Trung Quốc cơ bản đã hoàn thành hạ tầng giao thông trên phần lãnh thổ Trung Quốc thuộc 2 hành lang Côn Minh- Lào Cai- Hải Phòng và Nam Ninh- Lạng Sơn- Hải Phòng và đang hối thúc Việt Nam đẩy nhanh khơi thông 2 tuyến này. Về năng lượng, Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây 13 đập trên sông Salween (nhánh sông Mê Công giáp biên giới Mianma), đã xây xong đập thứ nhất tại Manwan (Mãn Loan) năm 1996, đập thứ 2 tại Dachaoshan (Đại Triều Sơn) năm 2003, vừa hoàn thành đập Xiaowan (đập Tiểu Loan) với công suất 4200KW và dự kiến sẽ xây dựng đập Nuzadu (Noạn Trát Độ) có công suất 5000KW, đồng thời thúc đẩy hợp tác với một số nước thượng nguồn Mê Công (Thái Lan, Mi-an-ma) để chở dầu trên sông Mê Công.
Tại Hội nghị Cấp cao GMS 3 (tháng 3/2008) tại Viên Chăn, Lào, Trung Quốc đã nêu sáng kiến thành lập Diễn đàn các Hành lang kinh tế GMS (GMS Economic Corridors Forum) nhằm: (i) tăng cường hợp tác giữa các vùng nằm trong Hành lang Kinh tế Bắc-Nam, Hành lang kinh tế Đông-Tây và Hành lang kinh tế phía Nam; (ii) trao đổi thông tin ở cấp Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho thương mại, đầu tư, lao động; (iii) thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động GMS; (iv) mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các hành lang kinh tế; (v) thu hút trợ giúp kỹ thuật và tài chính của các nhà tài trợ vào các hành lang kinh tế GMS.
Tại HNBT GMS lần thứ 15 tại tỉnh Petchburi, Thái Lan (từ ngày 17-19/06/2009) các bên đã cùng rà soát các hoạt động hợp tác giai đoạn 2002-2012 và kêu gọi các nhà đầu tư tài trợ cho các dự án trong đó trọng tâm là các dự án về giao thông vận tải trong tuyến hành lang kinh tế Bắc Nam, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác năng lượng giữa các quốc gia trong tiểu vùng.
Tháng 9/2009, Diễn đàn hành lang kinh tế GMS lần thứ 2 (ECF 2) đã được tổ chức tại Phnom Penh – Campuchia với mục tiêu: (i) thúc đẩy hợp tác và thắt chặt mạng lưới giữa các ngành và các Nhóm tham gia vào qua trình phát triển của hành lang kinh tế GMS; (ii) thu hút sự quan tâm đến các vấn đề đang ảnh hưởng tới sự phát triển của tuyến hành lang kinh tế, và thảo luận về chiến lược và biện pháp thúc đẩy sự phát triển này; (iii) tăng cường hỗ trợ chính quyền tỉnh và địa phương đối với sự phát triển tuyến hành lang kinh tế GMS, thúc đẩy phối hợp giải quyết các vấn đề xuyên biên giới; (iv) tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào sự phát triển của tuyến hành lang. Bộ trưởng các nước tham dự diễn đàn đã rà soát lại tiến trình xây dựng và phát triển của tuyến hành lang chạy qua khu vực nước mình, nêu các khó khăn và đề xuất các biện pháp để cùng giải quyết và kêu gọi hỗ trợ từ ADB nhằm thúc đẩy một cách có hiệu quả sự phát triển của hành lang kinh tế GMS. Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đang xây một chiến lược hành động để tiếp tục thúc đẩy một cách có hiệu quả hơn các hành lang này để biến các hành lang giao thông đã hoàn thành thành hành lang kinh tế.
Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 16 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19-20/8/2010. Với chủ đề “GMS trong thập kỷ tiếp theo: Những lĩnh vực hợp tác mới”, hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: (i) Kiểm điểm Kế hoạch hành động Viên Chăn 2008-2012 và những diễn biến hiện nay; (ii) Bàn thảo các vấn đề liên quan đến Chiến lược ngành GMS, các sáng kiến tạo thuận lợi giao thông và thương mại, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng và những vấn đề quan trọng khác như môi trường, giáo dục và đào tạo.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng đã thảo luận các chiến lược và vấn đề ưu tiên cho Chương trình GMS, cùng nhau xem xét các sáng kiến cho sáu chiến lược:
– Chương trình hành động để tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải và thương mại (TTF), một điều cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng tốc GMS, chuyển Hành lang giao thông thành Hành lang kinh tế.
– Các hướng chiến lược và kế hoạch phát triển giai đoạn II của Chương trình Môi trường GMS (CEP) – Đa dạng sinh học sáng kiến Hành lang bảo tồn (BCI). Bốn hướng chiến lược là (a) Bảo tồn đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo; (b) Thay đổi khí hậu, (c) Quản lý môi trường nông thôn, và (d) Xây dựng năng lực;
– Các kỹ thuật mới hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo (RE), nhiên liệu sạch (CF) và hiệu quả năng lượng (EE) trong GMS, sẽ phát triển mô hình kinh doanh phù hợp để thúc đẩy RE, CF. EE là một phần của GMS năng lượng.
– Các Chương trình hỗ trợ Nông nghiệp giai đoạn II (CASP II) 2011-2015, sẽ giúp GMS cạnh tranh hơn trong sản xuất thực phẩm an toàn.
– Chiến lược và Kế hoạch hành động cho Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) là môi trường để cải thiện, thực hiện các sáng kiến và huy động các nguồn lực cho SEC phát triển.
Hợp tác giao thông là thành tựu nổi bật nhất trong GMS với 3 hành lang kinh tế đã, đang và sắp hoàn thành. Tại HNBT GMS 16, các Bộ trưởng đã phê chuẩn Dự án đường sắt Xuyên Á, theo đó xem xét khả năng thiết lập 4 tuyến đường sắt kết nối qua 6 nước GMS. Tuyến đường khả quan nhất chạy từ Bangkok đến Phnom Penh, qua thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và đến hai thành phố Nam Ninh và Côn Minh của Trung Quốc, chủ yếu sử dụng các đường sắt sẵn có hoặc đã được khởi công xây dựng. Theo kế hoạch được phê chuẩn, đoạn khuyết duy nhất hiện nay trong tuyến đường là đoạn nằm giữa thành phố Hồ Chí Minh và Phnom Penh, có phí hoàn thành ước tính lên tới 1,09 tỷ USD, chưa bao gồm khoảng 7 tỷ USD cho việc nâng cấp các tuyến đường sắt hiện tại. Theo bản kế hoạch, tới năm 2025, ước tính 3,2 triệu khách và 23 triệu tấn hàng hóa được chuyên chở trên tuyến đường. ADB cho rằng mục tiêu thiết lập tuyến đường sắt trên trùng với nỗ lực của các quốc gia Mê Công hiện nay, đó là phát triển “các hành lang kinh tế” quanh các kết nối đường mới, nhằm hỗ trợ nhau phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Trải qua 18 năm hình thành và phát triển, với nỗ lực của tất các nước GMS và sự giúp đỡ của ADB và các nhà tài trợ, các quốc gia tiểu vùng Mê Công và Trung Quốc đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ trong sáng kiến hợp tác này. Cụ thể, cơ chế hợp tác kinh tế GMS đã hình thành và vận hành có hiệu quả. Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế GMS thu hút được một khối lượng vốn nhiều hơn bất cứ sáng kiến hợp tác khu vực nào được đưa ra và thực hiện trong cùng thời điểm và địa bàn GMS. Các bước tiến triển trong Hợp tác ngành trong GMS trong nhiều năm qua cũng diễn ra tốt đẹp thông qua những nét nổi bật trên các phương diện như: hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hợp tác trong lĩnh vực môi trường, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực du lịch, hợp tác trong lĩnh vực đầu tư tư nhân, hợp tác phát triển nguồn nhân lực… Trong Chương trình GMS, các quốc gia đã tương đối thành công trong việc xây dựng phần cứng nhằm tăng cường mối liên kết. Vấn đề chủ chốt hiện nay là phải tăng cường các phần mềm có liên quan nhằm đạt được toàn diện các lợi ích từ sự liên kết thực tại. Các vấn đề mới đang ngày càng trở nên quan trọng bao gồm biến đối khí hậu và môi trường, và an ninh lương thực và hiệu quả năng lượng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong thời gian qua, hợp tác kinh tế GMS còn phải vượt qua nhiều thách thức như: xuất phát điểm về phát triển của các nước GMS còn thấp, tỷ lệ người nghèo còn cao, các chỉ số phát triển của các nước GMS còn thấp; Hợp tác kinh tế GMS có nhiều chương trình, dự án đã xác định trong khi nguồn vốn tự có còn có hạn không đủ để duy trì thành quả và đầu tư phát triển theo chiều rộng và chiều sâu; Pháp luật của các nước còn rất khác nhau, việc bảo đảm có môi trường chính trị ổn định, không có mâu thuẫn lớn, môi trường kinh tế vĩ mô bền vững là một thách thức không nhỏ đối với các nước GMS trong bối cảnh hiện nay.
Định hướng trong thời gian tới: Để khắc phục những khó khăn nảy sinh trong hợp tác GMS, các nước GMS sẽ tiếp tục phối hợp và điều chỉnh chính sách hợp tác ở tầm vĩ mô và được thể hiện qua các văn bản hoặc thỏa thuận giữa các nước GMS như các Tuyên bố chung của các nguyên thủ quốc gia các nước GMS tại các Hội nghị thượng đỉnh GMS, các thỏa thuận đạt được tại các Hội nghị Bộ trưởng GMS. Chiến lược hợp tác 10 năm 1992-2002 của GMS, chiến lược hợp tác 3C… Các đối tác phát triển đã bày tỏ sự tiếp tục hỗ trợ của họ dành cho Chương trình GMS dưới các hình thức tài chính, chính sách, thể chế, xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, các hình thức hỗ trợ dựa trên các công cụ tri thức, việc chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức. Các đối tác phát triển cũng mong muốn tiếp tục tham gia với các quốc gia GMS trong lĩnh vực giao thông vận tải và hỗ trợ thương mại, môi trường và giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nước tổng hợp tại khu vực hạ lưu sông Mê Công, nông nghiệp cho thương mại và an ninh lương thực, năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, các sáng kiến di cư an toàn, hỗ trợ các cơ quan cấp tiểu vùng như Học viện Mê Công, và Ủy ban sông Mê Công, tăng cường quan hệ đối tác công- tư…
(theo website bộ ngoại giao)