Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, trật tự ATGT những tháng cuối năm 2013

Trong thời gian qua, thực hiện chủ đề năm 2013 “Nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ và xây dựng văn hóa giao thông”, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp với nhiều lực lượng trong hệ thống chính trị để tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, đã đạt được những kết quả quan trọng: nhận thức và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân được nâng lên; đưa kết quả thực hiện trật tự an toàn giao thông vào vào tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa; tổ chức họp, ký cam kết giữa các trường và phụ huynh học sinh chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; một số huyện đã giảm được số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông giảm nhưng số người chết lại tăng. Nguyên nhân tại nạn do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một số người dân chưa cao (vẫn sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông) dẫn đến không kiểm soát được tốc độ, vượt sai quy định (theo một số nghiên cứu, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 đến 30%). Bên cạnh đó, đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm còn khá phổ biến. Một phần là do công tác tuyên truyền vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.

Ngoài ra, dự báo vào những tháng cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng, phương tiện lưu thông sẽ càng nhiều. Đặc biệt, trong quý IV cũng là thời gian các gia đình tổ chức cưới hỏi nhiều hơn so với các quý trước. Thường gọi là “mùa cưới”. Vì vậy, nguy cơ người dân sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông là rất cao. Mặt khác, một số quy định mới về luật lệ tham gia giao thông có sự thay đổi cần được tuyên truyền rộng rãi đến với mọi người dân. Do đó, để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, xây dựng “văn hóa giao thông”, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông kết hợp nhiều hình thức cho phù hợp với đối tượng cùng nhiều lực lượng tham gia tuyên truyền.

Trước hết Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố cần xác định nội dung tuyên truyền: đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức: băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, phát tờ rơi, thông điệp bằng hình ảnh sinh động, mới mẻ. Trên đài truyền hình, truyền thanh của huyện, thành phố tăng cường lượng phát sóng về các trang tin, bài nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền những kết quả xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường của  lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Đặc biệt, ở mỗi địa phương, địa bàn khác nhau nên chú trọng các hình thức tuyên truyền để phù hợp với đặc điểm trình độ của đối tượng. Trong đó, đối với vấn đề sử dụng rượu, bia từng bước vận động nhân dân có khế ước xã hội như các khu dân cư ký cam kết giảm khẩu phần rượu, bia khi tổ chức ma chay, cưới xin; từng nhà có gia ước sử dụng rượu, bia đúng mực đối với nam giới; công chức không uống rượu buổi trưa trong các ngày làm việc. Ở các cụm, khu đông dân cư các quy định trong Nghị định 71 phải được thường xuyên phổ biến, tuyên truyền trên loa, đài theo giờ nhất định. Để công tác tuyên truyền sát thực với đối tượng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành: trường học, y tế, công an… tức cần xác đinh lực lượng chủ yếu tham gia tuyên truyền. Trong các trường học nên triển khai đưa nội dung chấp hành luật lệ về trật tự, an toàn giao thông là tiêu chí đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong công tác tuyên truyền nhất là ở cấp cơ sở. Đối với đối tượng là thanh niên, phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của Đoàn Thanh niên. Ví dụ, vận động Đoàn viên ký cam kết không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về “văn hóa giao thông” của thanh niên, đặt ra các tiêu chí bình xét đoàn viên ưu tú, đối tượng kết nạp đảng phải không vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Hội Nông dân ngoài tuyên truyền vận động hội viên thực hiện đúng luật lệ giao thông, có thể phối hợp với lực lượng chức năng rà soát, bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa theo tiêu chí thực hiện trật tự an toàn giao thông vào những tháng cuối năm.

Phát huy lực lượng tuyên truyền tập trung vào từng đối tượng cụ thể để nâng cao hiệu quả tuyên truyền cần phải có sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính quyền và đơn vị chức năng về quản lý hành lang an toàn giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, xây dựng “văn hóa giao thông” , đảm bảo hạnh phúc bền vững trong mỗi gia đình, xã hội.

Lò Dung, Trường Chính trị tỉnh