Kế hoạch đảm bảo giao thông, tổ chức vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022

Thực hiện Công văn số 3466/BGTVT-ATGT ngày 08/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ Lễ giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ Lễ 30/4, 01/5/2022. Nhằm đảm bảo giao thông, tổ chức vận tải hành khách phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Sơn La ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện với các nội dung như sau:

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

– Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa; bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022.

– Thực hiện nghiêm túc quy định quản lý khai thác đường bộ, đường thủy và quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải.

– Chủ động ứng phó hiệu quả với nguy cơ lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới đối với hoạt động vận tải.

2. Yêu cầu

– Các phòng thuộc Sở, đơn vị trực thuộc Sở và các đơn vị có liên quan triển khai cụ thể nhiệm vụ, hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tế.

– Duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các ý kiến, kiến nghị, thông tin phản ánh của người dân về công tác đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ vận tải.

– Không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và thiếu phương tiện vận chuyển ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022.

– Triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

          – Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, trật tự trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải; quản lý chặt chẽ các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, cảng, bến phà, bến thủy nội địa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe, các đơn vị kinh doanh phục vụ hoạt động vận tải.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Đảm bảo các tuyến đường giao thông luôn thông suốt, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa an toàn, thuận tiện gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022; đồng thời huy động tối đa các phương tiện, thiết bị ứng cứu khi có tình huống ách tắc xảy ra.

2. Tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

3. Tổ chức hoạt động của các bến xe khách theo đúng quy định; không để xảy ra tình trạng tồn đọng khách, hiện tượng chở quá số người quy định, thu vé giá cao hơn giá kê khai, niêm yết.

4. Tăng cường công tác quản lý hoạt động chở khách du lịch, hoạt động chở khách ngang sông.

5. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

6. Tuyên truyền, giáo dục lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc các quy định về trật tự an toàn giao thông và các quy định trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

7. Phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm giữ gìn trật tự, an ninh trong hoạt động vận tải tại khu vực bến xe; bảo đảm an ninh, trật tự trên phương tiện trong quá trình hoạt động; phòng chống cháy nổ, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống dịch COVID-19.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          1. Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

– Phối hợp với Ban Quản lý bảo trì đường bộ thực hiện công tác trực đảm bảo giao thông theo Phương án đã lập; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ, quản lý vận hành khai thác bến phà thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022.

– Kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu quản lý bảo trì đường bộ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; kiểm tra bổ sung hệ thống biển báo, sơn vạch kẻ đường, gờ giảm tốc tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.

– Tăng cường công tác kiểm tra công tác bảo dưỡng các phương tiện
vượt sông tại bến phà để sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại của người và phương
tiện vận tải.

– Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp thực hiện bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ, đường thủy nội địa; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm hành lang an toàn giao thông.

2. Phòng Quản lý vận tải, phương tiện & người lái

– Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, quản lý và khai thác bến xe trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án triển khai thực hiện Kế hoạch phục vụ vận chuyển hành khách trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022.

– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phương tiện thông qua trích xuất dữ liệu từ camera và thiết bị giám sát hành trình (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe) đề xuất xử lý vi phạm theo quy định.

– Hướng dẫn các đơn vị vận tải, bến xe khách thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam… phù hợp trong tình hình mới.

– Bố trí cán bộ trực nắm bắt, điều hành công tác vận tải, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, thông tin phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan qua đường dây nóng, cấp các loại phù hiệu cho các phương tiện tham gia giải tỏa hành khách và giải quyết các công việc cần thiết khác.

3. Thanh Tra Sở

– Thành lập tổ công tác thường trực tại các bến xe thành phố trong những ngày cao điểm; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách và bến xe khách trên địa bàn tỉnh Sơn La.

– Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

– Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị có liên quan thực hiện bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ, đường thủy nội địa; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý các tình huống phức tạp về trật tự an toàn giao thông phát sinh.

4. Ban Quản lý bảo trì đường bộ

– Trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ, đơn vị quản lý, vận hành khai thác bến phà và nhà thầu thi công các dự án sửa chữa định kỳ thực hiện theo đúng các nội dung của Kế hoạch này.

– Tăng cường công tác tuần tra, tuần kiểm nhằm phát hiện và chỉ đạo đơn vị quản lý đường thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, trong đó tập trung kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục các vị trí xung yếu mặt đường bị hư hỏng, sạt mái ta luy do mưa, lũ gây ra; kiểm tra chỉ đạo bổ sung hệ thống biển báo, sơn vạch kẻ đường, gờ giảm tốc tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.

– Chỉ đạo Tư vấn giám sát, Nhà thầu thi công khẩn trương thi công hoàn chỉnh các công việc còn lại, dọn dẹp toàn bộ công trường; thiết bị thi công phải tập trung đúng nơi quy định, không gây cản trở giao thông, trả lại toàn bộ mặt đường hiện có, đảm bảo phương tiện lưu thông thuận lợi. Quản lý, duy trì tốt hoạt động của hệ thống đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình, dự án (cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, đèn báo hiệu giao thông, hệ thống cảnh báo luồng, tuyến…), kịp thời rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống đảm bảo an toàn giao thông tại những vị trí còn thiếu; chấp hành nghiêm các quy định về công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ trong quá trình thi công.

– Đôn đốc đơn vị quản lý tốt hành lang an toàn giao thông đường bộ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

5. Các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ

– Thực hiện Phương án đảm bảo giao thông chi tiết trên các tuyến đường, bến phà được giao quản lý.

– Tổ chức rà soát toàn bộ các vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn mất an toàn giao thông (sạt lở taluy âm; sụt tượt taluy dương, các vị trí hay xảy ra đất đá trôi, lăn, xói lở nền, mặt đường, cầu, cống, kè), đặc biệt lưu ý các khe thoát nước mặt đường, các hố thăm, hố thu nước … bố trí rào chắn, biển cảnh bảo nguy hiểm phân luồng nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác mất an toàn trên các tuyến nhận thầu quản lý.

– Kịp thời sửa chữa các hư hỏng nhỏ mặt đường đảm bảo an toàn êm thuận theo tiêu chí chất lượng, tập trung thi công cuốn chiếu dứt điểm từng vị trí đảm bảo hoàn thành trong ngày.

– Triển khai thi công dứt điểm từng đoạn, từng hạng mục, tránh thi công dàn trải kéo dài; bố trí đầy đủ biển báo rào chắn người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu ban đêm trong phạm vi thi công không để xảy ra ách tắc.

– Tập kết vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị gọn gàng; khi dừng thi công phải thực hiện thu dọn công trường theo quy định đảm bảo mặt đường thông thoáng nhà thầu phải chịu trách nhiệm về mất an toàn giao thông trên đoạn tuyến đang thi công.

– Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra kịp thời báo cáo diễn biến tình hình cầu, đường và an toàn giao thông trên các tuyến; phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm hành lang giao thông theo quy chế phối hợp; không để xảy ra tình trạng tập kết vật liệu, phơi nông sản trong phạm vi nền, mặt đường, tự ý lấp rãnh làm đường vào nhà.

6. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách

– Tuân thủ các chỉ đạo về biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các văn bản triển khai, hướng dẫn của Sở GTVT.

– Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp tới đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe: Không uống rượu, bia trước và trong thời gian lái xe; không chở quá số người quy định; không điều khiển xe chạy quá tốc độ; không thu vé giá cao hơn giá đã kê khai, niêm yết và in trên vé; không vận chuyển hàng cấm, hàng hóa độc hại, dễ cháy nổ, pháo nổ, gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải; thái độ phục vụ hành khách văn minh, tận tình, chu đáo, hướng dẫn cho hành khách các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt đối với quy định thắt dây an toàn khi tham gia giao thông (đối với xe khách có thiết kế dây an toàn); hỗ trợ, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách khi tham gia giao thông như: giá vé, chỗ ngồi, giờ xuất bến và các dịch vụ khách kèm theo.

– Xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải hành khách trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022; triển khai kế hoạch đến từng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người lao động của đơn vị thực hiện; bố trí đủ số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đảm bảo điều kiện, sức khỏe; phương tiện đưa vào phục vụ vận chuyển phải được kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng sửa chữa, đảm bảo hình thức sạch đẹp, đầy đủ giấy tờ theo quy định, chất lượng tốt và được kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Có phương án bố trí phương tiện dự phòng để đáp ứng tối đa nhu cầu vận tải phát sinh trong những ngày cao điểm hoặc chuyển tải hành khách từ những xe bị xử lý hạ tải, xe có sự cố kỹ thuật.

– Đẩy mạnh ứng dụng việc bán vé điện tử, bán vé qua điện thoại, nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải. Niêm yết đầy đủ thông tin trên xe theo quy định gồm: Biển số xe, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị vận tải và của Sở GTVT Sơn La.

– Kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn, phòng chống dịch bệnh COVID-19 của phương tiện và người lái trước khi cho xe vào hoạt động kinh doanh vận tải, nhắc nhở hành khách thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách; Không tập trung, Khai báo y tế) để phòng, chống dịch COVID-19.

– Bố trí cán bộ trực để cấp Lệnh vận chuyển cho phương tiện theo quy định và giải quyết những công việc cần thiết khác; bố trí nhân viên thường xuyên theo dõi thiết bị giám sát hành trình để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh vi phạm (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe) đặc biệt đối với các phương tiện hoạt động ban đêm từ 22h00 ngày hôm trước đến 05h00 sáng ngày hôm sau.

7. Các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách

– Tuân thủ các chỉ đạo về biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sơn La, UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các văn bản triển khai, hướng dẫn của Sở GTVT Sơn La.

– Chỉnh trang tại khu vực bến xe đảm bảo sạch đẹp, vệ sinh môi trường; tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ hành khách và phương tiện thông qua bến; lắp đặt hệ thống thông tin loa đài, có đầy đủ bảng thông báo về luồng tuyến, giờ xe chạy, giá vé; bản tóm tắt và cam kết thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải mà các đơn vị vận tải đã đăng ký; bố trí đầy đủ đèn chiếu sáng, khu vệ sinh, y tế …; bổ sung thêm bồn rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 60% nồng độ cồn) tại các khu vực phòng chờ để thuận lợi cho hành khách sử dụng; lãnh đạo, nhân viên làm việc tại bến xe phải đeo phù hiệu, mặc đồng phục.

– Kiểm tra chặt chẽ giấy tờ phương tiện và người lái, tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, camera của xe trước khi cho xe xuất bến (chú trọng kiểm tra điều kiện của người lái, phương tiện các tuyến có cự ly vận chuyển trên 300 km, xe chạy đêm), kiên quyết không cho xuất bến đối với phương tiện và người lái không đủ điều kiện theo quy định.

– Phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bến xe.

– Tổ chức nhiều hình thức và địa điểm bán vé để hành khách đến mua vé đi xe được thuận lợi; căn cứ vào số lượng phương tiện đăng ký của các đơn vị vận tải trên từng tuyến, tổ chức bán vé trước cho các tổ chức, đơn vị, trường học và hành khách đi xe có nhu cầu; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi tham gia giao thông.

– Phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải huy động phương tiện để giải tỏa hành khách kịp thời. Trường hợp ứ đọng hành khách, báo cáo ngay Sở GTVT qua đường dây nóng để có phương án huy động phương tiện giải tỏa.

– Thường xuyên phối hợp để tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ hành khách và việc chấp hành các quy định quy định trong phòng, chống dịch COVID-19 của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

          8. Các đơn vị quản lý cảng, bến phà, bến thủy nội địa

– Công tác phục vụ qua sông tại bến phà Vạn Yên/QL.43, bến phà Nậm Ét/ĐT.116 phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và các phương tiện trên mỗi chuyến phà; kiểm tra các phương tiện dự phòng đảm bảo sẵn sàng đưa vào hoạt động; rà soát, bổ sung đầy đủ phao cứu sinh, các thiết bị an toàn khác.            

– Tuyên truyền, chấn chỉnh đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong hoạt động vận tải đường thủy, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, chở đúng số người được phép chở theo quy định; yêu cầu hành khách mặc và sử dụng trang thiết bị cứu sinh khi tham gia giao thông.

– Triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

– Không cho phép phương tiện thủy nội địa không đủ các điều kiện, không đảm bảo an toàn, chở quá tải trọng, chiều cao hoạt động ra, vào cảng, bến thủy nội địa.

9. Các đơn vị đăng kiểm phương tiện đường bộ

– Xây dựng Phương án kiểm định phương tiện khi lượng phương tiện kiểm định tăng trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 năm 2022 bảo thực hiện đúng các quy trình, quy định; đặc biệt kiểm tra chặt chẽ hệ thống an toàn, hệ thống trang thiết bị phục vụ hành khách đối với phương tiện tham gia vận chuyển khách; từ chối kiểm định đối với xe cơ giới: tự ý thay đổi kích thước thùng hàng, kết cấu, hình dáng kích thước (so với thiết kế); lắp đặt thêm các thiết bị điện tử không theo quy định, gây quá tải cho hệ thống điện của xe; thay đổi khoảng cách kích thước giữa ghế ngồi hoặc giường nằm với sàn xe; xe không bố trí dây an toàn theo quy định…

– Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các doanh nghiệp vận tải khách và chủ phương tiện biết về thời gian, phương án làm việc của đơn vị trong những ngày nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm 2022.